Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc xây dựng mô hình khu thương mại tự do. Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 11-10, tiếp tục phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề thành lập khu thương mại tự do – là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Quốc hội quyết định thành lập.
Theo đó, khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá, có mô hình quản lý được tổ chức thành các khu chức năng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển.
Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với khu thương mại tự do tại Hải Phòng và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Hiện khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này. Song theo nghiên cứu các nước, ông Dũng cho biết một số mô hình thành công đã chỉ ra, việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu, đơn cử như UAE, Singapore và Trung Quốc.
Tuy nhiên, thẩm tra đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng “một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng, cụ thể” vì đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định.
“Việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật. Vì vậy, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Cường nêu.
Đồng thời, theo tờ trình thì khu thương mại sẽ được hưởng các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế… nhưng lại chưa làm rõ được nội hàm. Trong khi những nội dung trên đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên ông Cường cho rằng, việc cho phép Chính phủ quy định về các chính sách cho khu thương mại tự do là “chưa phù hợp về thẩm quyền”.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thành công là nguồn lực với yêu cầu đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng, song tờ trình chưa đánh giá và đề xuất phương án tài chính.
Một số đề xuất được đưa ra cũng tương đồng với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình Quốc hội năm 2018 vốn đã tạm dừng việc thông qua, nên cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.